Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, kể từ ngày Nghị quyết 76/2022/QH15 được Quốc hội thông qua (ngày 15/11/2022) áp dụng việc tăng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, trước đó theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 thời hiệu đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:
- Hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách là 02 năm;
-Hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định kể trên là 05 năm.
Trong đó, ngoại trừ các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:
- Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
- Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Tuy nhiên, tại nội dung Nghị quyết 76/2022/QH15 nêu rõ áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:
- 05 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; (thay vì 02 năm)
- 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. (thay vì 05 năm)
Ngoài ra, các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Theo đó, tăng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với quy định của Đảng.
Giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng.
Xem nội dung chi tiết tại Nghị quyết 76/2022/QH15 được thông qua ngày 15/11/2022.