Quyền nhân thân là quyền năng cơ bản của cá nhân, liên quan đến đời sống tinh thần được pháp luật ghi nhận và bảo hộ. Quyền nhân thân trong hệ thống các quyền liên quan đến con người có một vai trò hết sức quan trọng. Xuất phát từ những đặc điểm đó, trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, BLDS năm 2015 tiếp tục ghi nhận các quyền nhân thân của cá nhân từ Điều 25 đến Điều 39. Trong đó, Quyền chuyển đổi giới tính được xem là điểm mới nổi bật về quyền nhân thân của cá nhân trong BLDS năm 2015. Bởi lẽ, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, quyền chuyển đổi giới tính đã được ghi nhận một cách chính thức tại Điều 37 như sau:
“Điều 37. Chuyển đổi giới tính
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”
Chuyển đổi giới tính (hay còn gọi phẫu thuật chuyển giới) là khái niệm dùng để chỉ những thủ tục y khoa để thay đổi giới tính của một người, trong đó bao gồm những công đoạn như phẫu thuật bộ phận sinh dục, tiêm hoóc-môn, phẫu thuật chỉnh hình…Thực tế có nhiều người Việt Nam đã phát triển hoàn thiện về giới tính (là nam hoặc nữ) đã ra nước ngoài để phẫu thuật thẩm mỹ từ nam thành nữ hoặc từ nữ thành nam. Những người này, khi về Việt Nam, theo quy định của BLDS 2005, họ không được phép làm lại giấy tờ hộ tịch nên hình dạng bên ngoài và cơ quan sinh dục là nữ nhưng trên chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy khai sinh và các giấy tờ tùy thân khác của hộ vẫn ghi là nam và ngược lại. Vì vậy, trên thực tế đã xảy ra việc một người phẫu thuật chuyển giới từ nam thành nữ bị một người nam giới khác thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn gây nên những khó khăn trong việc xử lý hình sự và quyền lợi vẫn chưa được bảo vệ thỏa đáng. Do đó, việc bổ sung quy định về chuyển đổi giới tính là bước tiến đáng kể của BLDS 2015 trong việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân. Đây được coi là bước tiến vô cùng quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thể hiện sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn của đời sống xã hội. Việc quy định này không những bảo đảm quyền lợi của một bộ phận trong xã hội mà còn bảo đảm tôn chỉ tăng cường bảo vệ quyền lợi cho những nhóm người yếu thế trong xã hội trong quá trình lập pháp.