Theo khoản 7 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định, bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.
Và tại khoản 3 Điều 6 Luật Trẻ em 2016, hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Vì thế, người nào có hành vi chăn dắt trẻ em xin ăn, thổi lửa để trục lợi, bóc lột thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
Về hành chính:
- Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng và nộp lại số lợi bất hợp pháp khi có hành vi ép buộc trẻ em đi xin ăn, sử dụng trẻ em để xin ăn (khoản 2, điểm a khoản 5 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 20 đồng đến 25 triệu đồng và nộp lại số lợi bất hợp pháp, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có) khi có hành vi lợi dụng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (đểm b khoản 3, khoản 4, điểm a khoản 5 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em khi có hành vi chăn dắt trẻ em đi ăn xin, thổi lửa (điểm b khoản 5 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP).
Về trách nhiệm hình sự
Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 chưa quy định một tội danh nào cho hành vi chăn dắt trẻ em để trục lợi.
Tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ cụ thể của hành vi trên thực tế mà người chăn dắt trẻ em ăn xin, thổi lửa có thể bị xử lý hình sự về một trong các tội như:
- Tội hành hạ người khác với mức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm tù (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015,sửa đổi 2017).
- Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi với mức phạt tù cao nhất lên đến 12 năm tù (Điều 296 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với mức hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)
Đồng thời thì việc phạm tội đối với người dưới 16 tuổi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, nếu người chăn dắt trẻ em là cha, mẹ ruột thì cha mẹ có thể không được trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017).